Koinobori Matsuri - Lễ hội cờ cá chép dành cho bé trai Nhật Bản

Nếu như ngày mùng 1 tháng 6 là Tết thiếu nhi của Việt Nam, thì ở Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày này sẽ là 5/5. Tuy nhiên, ngày mùng 5/5 chỉ dành cho bé trai, còn tết thiếu nhi cho bé gái sẽ được tổ chức vào ngày khác. Tết thiếu nhi ở Nhật Bản nằm trong khuôn khổ tuần lễ vàng, do đó, Koinobori Matsuri (Lễ hội cờ cá chép) thu hút được rất nhiều du khách và người dân đến “trẩy hội”.

 

Nguồn gốc của Lễ hội Koinobori Matsuri

 

lễ hội Koinobori Matsuri
Lễ hội cờ cá chép Koinobori Masturi
 

Lễ hội cho tất cả trẻ em trên toàn nước Nhật được diễn ra vào ngày 5/5 (Dương lịch) và được công nhận là Quốc lễ vào năm 1948. Ngày Tết thiếu nhi được người dân nơi đây xem là ngày để cầu an cho tất cả trẻ em (Nhưng đây vẫn là ngày lễ chính cho các bé trai), đồng thời thể hiện sự biết ơn đến những người mẹ.

Trong lễ hội Koinobori Matsuri, hình ảnh cờ cá chép không thể không xuất hiện, nó tượng trưng cho hình ảnh cá chép hóa rồng. Vì thế, người Nhật Bản sử dụng hình ảnh cá chép để thể hiện sức mạnh, tinh thần dũng cảm của con người nơi đây. Đồng thời cũng mong muốn cầu cho các bé trai luôn khỏe mạnh, khôi ngô và được “hóa rồng” như những chú cá chép kia.

Theo truyền thống của người Nhật, vào dịp Tết thiếu nhi Koinobori Matsuri, các gia đình có con trai sẽ chuẩn bị những dải cờ hình cá chép và treo lên trước nhà. Số cờ cũng phải căn cứ vào số lượng con trai ở nhà. Ví dụ, nhà bạn có 1 bé trai thì chỉ được treo một cá, 2 bé thì treo 2 lá,...

Đặc điểm của cờ cá chép

Koinobori Matsuri có tên gọi khác là lễ hội cờ cá chép
 

Hình ảnh lá cờ cá chép bay bấp phới trên nền trời xanh thể hiện ước muốn của bố mẹ mong con trai mình bay cao bay xa, học tập tốt và mạnh khỏe. Những lá cờ trong lễ hội cờ cá chép Koinobori Matsuri thường có 3 màu chủ đạo là: đỏ, xanh và đen. 

3 màu sắc này đều mang các tầng ý nghĩa khác nhau:

* Màu đen biểu tượng của mặt nước trong  mùa đông tĩnh lặng như tờ. Màu đen này tượng trưng cho tính cách của người bố - trụ cột trong gia đình. Đó phải là một ông bố điềm đạm, trầm tính, có cái nhìn sâu sắc. Đồng thời, hình ảnh nước chính là nơi khởi nguồn cho mọi sự sống.   

* Màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ. Ở Việt Nam, mọi người hay quan niệm rằng, mùa xuân là mùa nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhưng ở Nhật Bản, tiết trời mùa xuân thực sự vẫn còn rất lạnh, nên cây cối dù có gắng mình sinh trưởng cũng không thể nào bằng mùa hạ được. Chính vì vậy, màu hè tại Nhật được xem là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào. Ngoài ra, hình ảnh lửa cũng là biểu hiện của trí tuệ.

* Màu xanh là màu của cây cỏ, mùa của sự đâm chồi nảy lộc, màu của sức trẻ phơi phới đang ưỡn mình vươn thẳng. Vì thế màu xanh trong lá cờ tượng trưng cho sự đang phát triển của trẻ em.

Bên cạnh cờ cá chép, trong những ngày này, người dân Nhật Bản còn làm rất nhiều món ăn ngon và có một số đồ ăn đã dần trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết thiếu nhi. Đó chính là bánh gạo nếp (tên thường gọi là Bánh Mochi) nhân đậu đỏ được bọc bên trong lá sồi (kashiwa). Loại bánh mochi thứ 2 là bánh chimaki được gói bằng lá tre.

Tại Nhật Bản, Koinobori Matsuri  (lễ hội cờ cá chép) được xem là một lễ hội lớn và có mặt tại tất cả các vùng miền ở đây. Khi đến ngày này, nhiều người dân sẽ rủ nhau đến địa điểm tổ chức lễ hội để thả cờ cá chép hoặc thả nó trong làn nước của sông suối. 

 

chia sẻ bài viết

Để lại bình luận