Lễ hội búp bê Hina Matsuri dành cho các bé gái ở Nhật

Nếu như Koinobori Matsuri là lễ hội dành riêng cho các bé trai, thì Nhật Bản cũng có một lễ hội được tổ chức độc quyền cho bé gái. Đó chính là lễ hội búp bê Hina Matsuri được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm.

Nguồn gốc lễ hội

Các bé gái trong ngày lễ hội búp bê Hina Matsuri

Vào thời Heian (794-1185), búp bê được xem là hình nhân thế mạng cho các bé gái. Vì thế, những con búp bê sau khi được bé gái chơi xong sẽ được thả trôi xuống sông, hồ, suối để mang theo những điềm không may đi xa. 

Lễ hội búp bê Hina Matsuri được tổ chức vào ngày mùng 3 - 3 hàng năm, để cầu mong cho các bé gái khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, và không bị các vong linh xấu đeo bám. Trong tiếng Nhật, “Hina” chính là “búp bê nhỏ” còn Matsuri là “lễ hội truyền thống”, vì thế tên gọi của lễ hội Hina Matsuri mà người Việt hay gọi là lễ hội búp bê hay lễ hội dành cho các bé gái. 

Các loại búp bê Hina Matsuri

Có 3 loại búp bê Hina Matsuri

  • Kimekomi: Đây là loại búp bê mà các nghệ nhân sẽ khắc hoặc dán trang phục trực tiếp vào hình nhân. 
  • Ishochaku: Loại búp bê này đã được làm khung sẵn, chưa có quần áo. Khi mua sẽ có các bộ trang phục đi kèm để bạn mang về mặc cho hình nhân.
  • Búp bê theo bộ: Tùy vào nhu cầu của người sử dụng mà các nghệ nhân sẽ chia búp bê thành loại 2 bộ (1 nam, 1 nữ), bộ gồm 5 búp bê và bộ từ 7-15 búp bê

Cách trưng bày búp bê Hina Matsuri

Đối với người mua bộ đôi thì chỉ cần đặt một hình nhân nam và một hình nhân nữ vào nơi trưng bày thật trang trọng là được. Còn các bộ nhiều hình nhân hơn sẽ phải để vào kệ trưng bày. Theo truyền thống, búp bê Hina Matsuri sẽ được trang trí trên một kệ 7 tầng được phủ một tấm nhung đỏ, các tầng được sắp xếp như sau:

  • Búp bê Dairi đại diện cho Vua và Hoàng hậu sẽ được đặt trịnh trọng ở tầng cao nhất. Khi xếp bạn nên lưu ý rằng, hình nhân nhà Vua sẽ được đặt phía bên trái, hình Hoàng hậu được đặt bên phải (Tính theo góc nhìn chính diện). Đối với tầng đầu tiên, bạn nên để phía sau lưng Vua và Hoàng hậu một bức bình phong Byobu, hai bên là cây đèn giấy in hoa văn Bonbori, trước mặt là hai lọ hoa đào Momo, hai đĩa bánh mochi - một loại bánh dày nhân ngọt truyền thống của Nhật làm từ bột gạo, và rượu ngọt Shirozake.
  • Tầng cao thứ 2 là nơi đặt 3 búp bê nữ quan Sannin Kanjo. Trong đó vị được thiết kế ngồi sẽ đặt ở giữa, 2 vị đứng sẽ đặt ở 2 bên. 
  • Tầng thứ 3 là tầng trưng bày 5 nhạc công trong cung đình Gonin Bayashi. Trong số 5 nhạc công đó, có 1 người thổi sáo, 1 người cầm quạt và 3 người chơi trống. Nếu mua bộ nhiều hình nhân thì sẽ là 7 vị nhạc công thì sẽ thêm 2 người một người chơi đàn và một người thổi kèn.
  • Tầng thứ tư là 2 búp bê đại thần Daiji (1 nam,1 nữ). Các đại thần đều đeo cung tên nên chức vị thường là đại tướng quân
  • Tầng thứ 5 là 3 hình nhân búp bê cận vệ Eji, có nhiệm vụ bảo vệ cho vua và hoàng hậu. Tầng này sẽ được trang trí thêm bằng 2 chậu cây là đào và quất. Để tránh sự nhàm chán giữa các năm, bạn có thể đổi quất thành loại cây khác, nhưng chậu hoa anh đào là cố định (không được phép đổi). 
  • Hai bậc cuối cùng thường không quy định đồ trang trí bắt buộc. Tùy vào sở thích của từng người, bạn có thể để cỗ xe cung đình Goshoguruma, giá để kiếm, bùa bình an kiệu rước Okago, ấm trà và hộp đựng thức ăn nhiều tầng Jubako.

Nhìn chung, khâu chuẩn bị cho lễ hội búp bê Hina Matsuri khá cầu kỳ, bạn phải chuẩn bị mua búp bê, đồ trang trí, rồi làm thức ăn đặc trưng trong ngày lễ. Đến ngày này, các bà nội trợ thường làm các loại bánh, món ăn có hình búp bê Hina Matsuri. 

Lưu ý, giá của bộ búp bê đầy đủ khá chát nên bạn có thể mua loại ít hình nhân cũng được. Đặc biệt, các bộ này có thể dùng lại giữa các năm nên có thể trưng bày xong rồi lại cất đi để sang năm bày ra tiếp. 

 

 

chia sẻ bài viết

Để lại bình luận