Điểm danh các lễ hội kỳ lạ ở Nhật Bản
Lễ hội Baby Sumo Cry
Baby Sumo Cry là một trong những lễ hội kỳ lạ ở Nhật Bản. Thay vì mong các em bé cười nhiều, dỗ dành này kia, thì tại lễ hội này em nào càng khóc to càng tốt. Tuy kỳ quặc, nhưng mỗi năm Baby Sumo Cry thu hút khoảng 50 - 100 em bé tham gia (Hầu hết các bé đều dưới 01 tuổi).
Lễ hội thường được tổ chức hàng năm tại đền Sensoji, ngay giữa thủ đô Tokyo. Khi bắt đầu lễ hội, 2 Sumo sẽ bước lên trên sân khấu, giữ chặt em bé tham gia trên tay, rồi dùng đủ mọi cách để khiến các bé khóc thật to như lắc nhẹ đứa bé, làm mặt xấu dọa chúng,.... Và đứa trẻ nào khóc to hơn sẽ chiến thắng. Bởi, người dân xứ sở anh đào tin rằng, những đứa trẻ khóc càng to thì chúng sẽ càng gặp nhiều may mắn.
Lễ hội Paantu
Cứ vào tháng 9 âm lịch hàng năm, một trong những lễ hội kỳ quặc nhất tại tỉnh Okinawa hay chính xác là đảo Miyako chính là lễ hội Paantu sẽ diễn ra. Nếu như Việt Nam có “Ông Kẹ” thì đảo Miyako (Okinawa) có Paantu. Tuy không phải là một lễ hội thu hút đông đảo người tham gia, nhưng xét về phương diện tâm linh, Paantu giúp xua đuổi xui xẻo và mang lại mang đến may mắn cho nhiều người xung quanh.
Trong lễ hội Paantu sẽ có 3 người mặc bộ trang phục kỳ dị, trát bùn lên toàn thân, đeo mặt nạ và bôi bùn lên những người đi đường, xe cộ, thậm chí là nhà cửa,...mặc kệ nhà bạn mới xây hay xe bạn mới rửa, tất cả đều được trát đầy bùn lên!
Lễ hội Hadaka Matsuri
Bạn nghĩ sao về việc chỉ mặc một chiếc khố trong thời tiết 0 độ? Chắc chắn là lạnh cóng đúng không? Nhưng tại xứ sở hoa anh đào có một lễ hội như vậy đấy, nó được coi là một trong số lễ hội kỳ lạ ở Nhật Bản có truyền thống lâu đời nhất.
Trải qua hơn 1000 năm tồn tại, lễ hội Hadaka Matsuri vẫn giữ vững tầm quan trọng của mình và được người dân xứ Samurai coi là lễ hội cầu may lớn nhất tại Nhật. Tuy có “thiếu vải” một chút, nhưng lễ hội mang ý nghĩa rất cao đẹp, nó được tổ chức để cầu cho người dân Nhật Bản luôn gặp may mắn trong cuộc sống.
Lễ hội diễn ra vào tối ngày 14/2 đến sáng ngày 15/2. Vào đêm 14, những người tham gia sẽ cùng nhau tắm nước lạnh, sau đó tranh nhau một chiếc túi, và ai là người giành được chiếc túi đó sẽ được may mắn cả năm.
Lễ hội Kanamara Matsuri - lễ hội rước “của quý” của nam giới
Nếu như lễ hội Hadaka Matsuri, những người đàn ông tham gia chỉ được phép mặc khố đã hơi mang khuynh hướng “í ẹ”, thì Kanamara Matsuri còn táo bạo hơn thế. Mọi người tham gia lễ hội này sẽ rước bộ phận sinh dục của nam giới, cụ thể là lễ rước ba tượng dương vật, một tượng làm từ gỗ, một tượng làm từ sắt và một tượng điêu khắc màu hồng được khiêng bởi những người đàn ông ăn mặc như phụ nữ.
Bên cạnh đó, khi tham gia lễ hội du khách sẽ bắt gặp rất nhiều những hình ảnh dương vật trên khắp loại hàng hóa: tranh ảnh, trang sức tới kẹo, đồ ăn…Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 4 ở Kawasaki nhằm tôn vinh sức mạnh của bộ phận sinh sản nam.
Trên đây là 4 lễ hội kỳ lạ ở Nhật Bản mà bất cứ bạn thực tập sinh hay du học sinh nào cũng nên tham gia thử một lần, nếu đã được đến xứ Phù Tang sinh sống và làm việc.